What would you like to search for?

Our News

Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp dệt may trước yêu cầu kiểm kê khí nhà kính

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy định mới của chính phủ, WWF-Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp tổ chức chương trình đào tạo Hành động Ứng phó với biến đổi khí hậu (CAT++) cho các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may và da giày tại Việt Nam.

Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực trong nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050—một mục tiêu chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực chung của toàn xã hội. Đáng chú ý, ngành thời trang chiếm khoảng 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhiều hơn cả ngành hàng không và vận tải biển. Với doanh thu xuất khẩu vượt 40 tỷ USD vào năm 2023 đứng thứ 3 trên thế giới, ngành dệt may là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò quan trọng đối với các mục tiêu khí hậu quốc gia và toàn cầu.

Chưa đầy 1 năm nữa  294 cơ sở sản xuất thuộc ngành dệt may và da giày sẽ phải cung cấp số liệu liên quan đến việc phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp tới Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo Quyết định số 01/2022/QĐTTg ký ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy định mới của chính phủ, WWF-Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp  tổ chức chương trình đào tạo Hành động Ứng phó với biến đổi khí hậu (CAT++)  cho các đơn vị thuộc chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may và da giày tại Việt Nam. 

Hơn 1200 đại diện đến từ hơn 520 cơ sở sản xuất đã đăng ký tham gia khoá đào tạo. Diễn ra trong 6 tuần từ ngày 18/6/2024, chương trình CAT++ cung cấp các kiến thức và công cụ tính toán kiểm kê khí nhà kính, cách thức báo cáo và thiết lập mục tiêu về giảm phát thải cũng như kiến ​​thức thực tế về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả. Cascale và WWF lần lượt giới thiệu về Chương trình hành động vì khí hậu trong sản xuất (MCAP) và Sáng kiến mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi). Trọng tâm của chương trình CAT++ là đưa ra được dữ liệu kiểm kê KNK một cách chính xác, cơ sở cho tất cả các chương trình khí hậu. Học viên tham gia khoá tập huấn sẽ được cấp Giấy chứng nhận khi hoàn thành bài kiểm tra cuối khoá. CAT++ là hoạt động chuyên sâu của To the Finish Line, một chương trình do GIZ khởi xướng nhằm thúc đẩy hành động tập thể, trang bị cho ngành thời trang tại Việt Nam kiến thức thực tế về các chủ đề bảo vệ môi trường.

“Việc theo đuổi các mục tiêu giảm lượng carbon cần phải được xem xét cẩn thận về tính khả thi cũng như chi phí không chỉ là tài chính mà còn là nguồn nhân lực và thời gian. Chúng tôi hy vọng rằng thông qua khóa đào tạo, các đơn vị sản xuất sẽ có thể tự mình thực hiện kiểm toán khí nhà kính và thực hiện các hành động dù lớn hay nhỏ để giảm lượng khí thải trong hoạt động sản xuất hàng ngày.”, Bà Phạm Thị Việt Hà, Giám đốc Dự án Phát triển năng lượng bền vững, WWF- Việt Nam chia sẻ. 

“GIZ đã và đang thúc đẩy những nỗ lực tập thể để cung cấp chương trình đào tạo hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (CAT++) một cách hiệu quả cho chuỗi cung ứng của 11 thương hiệu toàn cầu tại Việt Nam. Sự hợp tác giữa WWF-GIZ là một ví dụ về sự hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức phát triển nhằm cung cấp các giải pháp hữu hiệu và hiệu quả hỗ trợ chuỗi cung ứng trong thời trang tại Việt Nam, cùng hướng tới một tương lai phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất thời trang Việt Nam trong trên quy mô toàn cầu.”, bà Phan Chi, Chuyên viên dự án, Tổ chức GIZ.
© Enerteam
Hoạt động kiểm kê khí nhà kính tại một nhà máy ở Việt Nam